Các giải pháp chống nóng cho nhà trong mùa hè
Thời tiết ngày càng nắng nóng, khắc nghiệt. Đã có rất nhiều giải pháp chống nóng cho công trình được đưa ra nhằm tránh những tác động tiêu cực của nắng nóng làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tiết kiệm năng lượng. Bài viết sau đây phân tích một số các giải pháp chống nóng cho công trình để các bạn cùng tham khảo.
Ngày nay tốc độ đô thị hóa - bê tông hóa diễn ra nhanh chóng, ngành công nghiệp phát triển gây ra thực trạng nóng lên toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch, xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ... Khiến cho nền nhiệt nói chung có xu hướng tăng nhanh, nhất là vào những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm.
Mục lục nội dụng
II. Giải pháp chống nóng hiệu quả cho công trình
1. Giải pháp kiến trúc, thiết kế
I. Các tác nhân gây nóng
1. Tác nhân khách quan, tự nhiên
+ Mặt trời
+ Các diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu
+ Các đám cháy tự nhiên: Cháy khí ga tự nhiên, cháy rừng do sét đánh, ...
+ Núi lửa, ...
2. Tác nhân con người
+ Đốt nhiên liệu hóa thạch
+ Tốc độ bê tông hóa, mật độ xây dựng dày đặc
+ Hoạt động công nghiệp, máy móc sinh ra nhiệt và khí thải gây hiệu ứng nhà kính
+ Đốt phá rừng, ...
Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì nó đang xảy ra trên quy mô toàn cầu, chúng ta chưa thể thay đổi theo hướng tích cực hơn được. Vậy, với các công trình cục bộ nhà chúng ta thì có thể làm được những gì để hạn chế được sự ảnh hưởng của nắng nóng.
Hãy cùng Bê tông nhẹ Kim Long phân tích một số giải pháp chống nóng cho công trình xây dựng như sau:
II. Giải pháp chống nóng hiệu quả cho công trình
1. Giải pháp kiến trúc, thiết kế
1.1. Đưa thiên nhiên vào công trình
Đây luôn là giải pháp được khuyến khích, ưu tiên thực hiện. Một ngôi nhà nhiều màu xanh của cây cỏ tự nhiên, có nước chảy róc rách, ... sẽ mang lại bầu không khí trong lành, mát mẻ cho ngôi nhà.
Do đó, khi thiết kế xây dựng, ta nên xem xét, bố trí các khu vực trồng được cây xanh ở xung quanh nhà và ngay ở trong ngôi nhà mình.
Các cây xanh này mang lại rất nhiều lợi ích ví dụ như:
+ Ngăn chặn được bụi từ ngoài bay vào trong nhà
+ Ngăn chặn được ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên tường nhà, hạn chế được bức xạ nhiệt bên ngoài xâm nhập vào trong nhà.
+ Cung cấp cho gia đình nguồn rau, củ, quả, ... hàng ngày
+ Chăm sóc cây hàng ngày cũng là cách giải tỏa căng thẳng cuộc sống
+ Hương thơm từ các loại hoa: hoa sen, hoa lan, ... giúp ích rất nhiều cho sức khỏe và tinh thần. Giúp con người biết hướng tâm đến những điều lành, điều thiện.
+ ...
Ngoài cây ra, sẽ rất tốt nếu có thêm nguồn nước chảy, các bể nước, bể cảnh, ... có cây và các sinh vật trong đó, tuy nhiên cần lưu ý vấn đề an toàn với trẻ nhỏ trước các bể nước.
1.2. Đối lưu không khí
Một hiện tượng rất dễ nhận biết, đó là trong và sau những trận mưa, giông. Mặc dù nền nhiệt bên ngoài nhà đã rất mát, nhưng khi ta đi từ ngoài vào bên trong nhà và trong phòng ta vẫn cảm nhận nhiệt độ không khí trong phòng nóng hơn khá nhiều so với nhiệt độ không khí bên ngoài. Nguyên nhân là không khí trong và ngoài nhà chưa có sự đối lưu nhanh chóng.
Do đó khi thiết kế, xây dựng công trình, ta cần có thiết kế hợp lý, có các cửa thông thoáng, khi cần mở cửa sẽ giúp cho không khí được lưu thông tốt hơn, giúp cân bằng nhiệt khi nhiệt độ trong nhà cao hơn bên ngoài.
Thêm vào đó ta cần có hệ ống dẫn khí và hệ thống cấp gió để bơm (đẩy) không khí mát ở bên ngoài vào trong các phòng, hệ thống này đồng thời giúp lọc không khí, lọc bụi, ... sẽ giúp cho không khí trong nhà sạch, mát và trong lành hơn.
2. Sử dụng vật liệu cách nhiệt
2.1. Bê tông nhẹ
Ngày nay khoa học công nghệ phát triển, cho ra đời những loại vật liệu tiên tiến, nhiều tính năng ưu việt. Một trong số đó chính là Bê tông nhẹ trong lĩnh vực Vật liệu xây dựng nhằm thay thế dần việc sử dụng Gạch đất nung. Bê tông nhẹ cũng phân nhánh ra khá nhiều loại, khác nhau về thành phần cấu tạo, tính chất lý hóa học.
Đặc điểm chung của bê tông nhẹ là:
- Trọng lượng nhẹ: Dao động từ 300kg/m3 - 1200kg/m3, tùy thuộc vào chủng loại.
Ví dụ:
+ Tấm bê tông nhẹ EPS do Kim Long Group sản xuất tại Hà Nội có tỷ trọng 560kg/m3 - 600kg/m3. Một tấm dài 2.44m x rộng 61cm, dày 9cm nặng 76kg
+ Một số dòng bê tông nhẹ EPS khác có tỷ trọng từ 700kg/m3 - 800kg/m3, 1 tấm dài 2.44m x rộng 61cm, dày 10cm nặng khoảng 100kg - 110kg
+ Bê tông khí chưng áp (AAC, ALC, ...) có nhiều loại với tỷ trọng khác nhau, thường gặp là 600kg/m3 - 900kg/m3.
+ Bê tông bọt khí (CLC) có tỷ trọng thường gặp là 600kg/m3 - 800kg/m3, có nhiều kích thước khác nhau, thường gặp là các tấm khổ nhỏ.
Tùy loại bê tông nhẹ, người ta Ứng dụng làm Tường thay Tường gạch xây trát truyền thống. Ứng dụng làm sàn (hoặc mái) thay việc đổ sàn bê tông cốt thép
- Cách nhiệt rất tốt:
Đây là một trong những ưu điểm để ứng dụng vào việc chống nóng cho công trình, nhờ vào thành phần cấu tạo có hạt xốp và các lỗ khí rỗng. Tỷ trọng bê tông nhẹ càng thấp thì tính cách nhiệt càng cao (hệ số dẫn nhiệt càng thấp).
Không những cách nhiệt tốt, bê tông nhẹ không ủ nhiệt lâu như tường gạch và bê tông.
Chúng ta thấy rất rõ điều này vào mùa hè, những căn nhà bị ánh nắng mặt trời chiếu vào. Tường gạch và trần bê tông có thời gian ủ nhiệt rất lâu, thậm chí 2-3 giờ sáng sờ vào tường vẫn thấy nóng. Việc này khiến cho điều hòa thường xuyên hoạt động quá tải mà phòng vẫn nóng.
2.2. Cửa kính cách nhiệt
Bức xạ nhiệt truyền vào qua cửa và cửa kính là một trong những nguyên nhân khiến không khí trong nhà bị nóng. Ngày nay có khá nhiều các loại kính cách nhiệt, cấu tạo gồm 2 hay nhiều lớp kính, ở giữa là khí trơ hoặc chân không. Giúp cách nhiệt, cách âm khá tốt, cũng là giải pháp ta có thể tìm hiểu ứng dụng.
Nếu giá thành các loại cửa kính như vậy quá cao, ta có thể sơn cách nhiệt cho kính hoặc sử dụng các tấm dán cách nhiệt (phim cách nhiệt) để dán lên các cửa kính thông thường.
2.3. Sơn cách nhiệt
Dùng sơn cách nhiệt cũng đang là cách làm được nhiều người lựa chọn, thường là sơn mái tôn. Trên thị trường có khá nhiều loại sơn như này. Hiệu quả chống nóng được cải thiện khá tốt, nhiệt độ có thể giảm 5 - 26 độ tùy vào nhiệt độ mái tôn và độ dày lớp sơn. Lớp sơn càng dầy thì hiệu quả chống nóng càng cao và ngược lại.
Tuổi thọ lớp sơn này thường là từ 3-5 năm, có loại được lâu hơn, sau đó ta lại phải tiến hành sơn lại để đảm bảo hiệu quả.
3. Màu sắc công trình
Yếu tố màu sắc công trình cũng khá quan trọng. Người ta đã nghiên cứu và chứng minh.
+ Với các màu tối, màu xám thì nhiệt sẽ được hấp thụ mạnh hơn
+ Với các màu sáng, màu trắng thì ánh nắng mặt trời bị phản xạ nhiều, dẫn đến nhiệt hấp thụ vào vật liệu ít hơn.
Do đó việc sử dụng sơn màu gì cũng nên được cân nhắc lựa chọn để góp phần tăng hiệu quả chống nóng cho ngôi nhà.
4. Giải pháp tình thế
4.1. Phun nước, phun sương
Hiện nay có khá nhiều nhà lắp đặt hệ phun nước, phun sương để làm mát mái tôn, mát không gian. Dẫu chỉ là giải pháp tạm thời nhưng nó cũng mang lại hiệu quả giúp chống nóng tốt hơn là không có.
4.2. Che chắn ngôi nhà khỏi các nguồn nhiệt
Ngoài việc sử dụng cây xanh như trên đã đề cập, ta có thể sử dụng rèm cửa, bạt che, ... mục đích là để ngăn bức xạ nhiệt truyền vào.
4.3. Thiết bị làm mát
Sử dụng điều hòa làm mát là giải pháp rất quen thuộc. Tuy nhiên sử dụng điều hòa có thể gây ra một số vấn đề như:
+ Không khí bị khô, gây các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ.
+ Thiếu dưỡng khí trong phòng kín: Cơ chế hoạt động của điều hòa là hút không khí trong phòng, đưa qua dàn lạnh để làm mát không khí, sau đó đẩy không khí đã làm mát trở lại phòng. Như vậy gần như không có sự đối lưu với không khí bên ngoài. Lâu dần sẽ khiến cho không khí trong phòng bị thiếu dưỡng khí, khiến ta có cảm giác mệt.
+ Chi phí điện năng không hề nhỏ
+ Nhiệt nóng bị đẩy ra ngoài, làm cho bầu không khí xung quanh thêm oi bức, ngột ngạt
Có một giải pháp hiện nay được nhiều gia đình sử dụng, đó là quạt làm mát không khí có hơi nước. Phổ biến ta hay gặp là những chiếc quạt như này.
Những quạt này có 1 bình chứa nước, nước này được đưa lên các màng gỗ bao quanh quạt. Bằng cách này, không khí từ ngoài khi đi qua các màng gỗ có nước này sẽ được làm mát.
Khi sử dụng loại quạt này ta cần lưu ý thường xuyên thay nước mới. Vì nước trong bình sau 1 thời gian 2-3 ngày sẽ bị bẩn, sinh mùi tanh khó chịu, thậm chí là chỗ sinh mầm bệnh như muỗi để cung quăng/bọ gậy vào đó.
Thay vì sử dụng nước, ta có thể sử dụng nước đá cũng mang lại hiệu quả làm mát cao.