Để cát nhân tạo (cát nghiền) dần thay thế cát tự nhiên

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3; công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Công Thử/ TTXVN

Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng. Do đó, tình trạng thiếu cát xây dựng tại một số thời điểm và một số nơi đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Khảo sát việc khai thác cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong 20 năm qua cũng cho thấy, số lượng khai thác ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm xói mòn các nhánh sông, sạt lở bờ gia tăng (khoảng 500 ha/năm) đã làm vùng đồng bằng này thay đổi hình dạng.

Bên cạnh đó, việc khai thác cát quá mức làm mất cân bằng bùn cát, hạ thấp đáy và thay đổi dòng chảy... Khối lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại chỉ còn từ 25-35% so với những năm 1990 và từ 50-60% so với những năm gần đây. Các chuyên gia dự báo, trong tương lai, lượng phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chỉ còn dưới 10%.

Cát tự nhiên là vật liệu cần thiết trong xây dựng và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này cũng chỉ có hạn. Vì khan hiếm, tình trạng khai thác cát trái phép đã xảy ra và gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường cũng như đời sống của người dân.

Các chuyên gia nhận định, để khắc phục tình trạng này, việc sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên là giải pháp đem lại nhiều lợi ích.

Thạc sỹ Lương Văn Hùng - Vụ Vật liệu Xây dựng chia sẻ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương - nơi có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Đồng thời, cung cấp cho các địa phương khác không có nguồn đá để sản xuất cát nghiền. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Nhiều dây chuyền sản xuất cát nghiền hiện nay được đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất thuộc loại tiên tiến, mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao, quy mô công suất khoảng từ 100.000 – 500.000 m3/năm.

Hiện năng lực sản xuất cát nghiền ở Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng, khối lượng và mức độ sử dụng tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Cát nghiền được sử dụng để sản xuất vữa bê tông, vữa xây dựng, gạch bê tông, gạch lát vỉa hè, sân bãi…

Trên thực tế, hiện cũng có nhiều vật liệu có thể thay thế cát tự nhiên trong xây dựng. Đơn cử như xỉ đồng có thể được sử dụng để thay thế một phần của cát tự nhiên dưới dạng cốt liệu mịn trong bê tông làm vỉa hè mà không làm giảm độ kết dính, cường độ nén và uốn của bê tông - Thạc sỹ Trần Văn Huynh, Viện Vật liệu Xây dựng dẫn chứng.

Ngoài ra, xỉ lò cao cũng được sử dụng làm vật liệu thay thế cho cát tự nhiên trong xây dựng. Khi thay thế cát bằng xỉ lò cao, cường độ nén của xi măng tăng.

Kiểm soát chặt việc khai thác cát tự nhiên, thay đổi thói quen sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng đã hình thành từ lâu. Tuy nhiên, để cát nghiền dần thay thế cát tự nhiên, cần đến nhiều giải pháp đồng bộ.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần phải tiếp tục khắc phục một số nguyên nhân để tăng cường sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thay thế cát, sỏi tự nhiên.

Cùng đó, khan trương ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng cát nghiền để làm cơ sở pháp lý nhằm phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu thay thế này.

 

Theo: Cổng thông tin điện tử Bộ xây dựng